Tại bài viết này, tác giả mời Quý Khách hàng cùng điểm qua những công việc cần làm ngay sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký DN, cụ thể bao gồm:
1. Kiểm tra lại các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bạn phải ngay lập tức kiểm tra các nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã đủ và chính xác các thông tin theo quy định tại Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014 hay chưa?
Trường hợp phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký DN, DN gửi Giấy đề nghị hiệu đính thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục II-14 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐTđến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi DN đã đăng ký.
Phòng Đăng ký kinh doanh nhận Giấy đề nghị, kiểm tra hồ sơ và thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký DN trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị của DN nếu thông tin trong Giấy đề nghị của DN là chính xác.
Bạn có thể tham khảo các quy định cụ thể tại Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT, Luật Doanh nghiệp 2014 , Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD năm 2015,...
2. Gắn biển hiệu và tên công ty tại trụ sở
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật doanh nghiệp 2014 thì tên DN phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN. Tên DN phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do DN phát hành.
Như vậy, theo quy định trên, thì việc treo, gắn tên DN tại trụ sở chính là nghĩa vụ bắt buộc đối với DN. Sau khi đăng ký DN, các DN phải có nghĩa vụ gắn tên tại trụ sở chính.
Khi đó, tên DN được gắn trên biển hiệu DN và việc treo biển hiệu DN cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Theo đó:
Theo quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 thì biển hiệu công ty phải có các thông tin:
- Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
- Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Địa chỉ, điện thoại.
Việc viết, đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu của DN được thực hiện theo quy định tại Chương 6 Nghị định 103/2009/NĐ-CP.
...
Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 và Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 103/2009/NĐ-CP, ...
Hình minh hoạ
3. Đăng ký thuế, khai lệ phí môn bài
a. Đăng ký thuế
- Đối với DN được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận đăng ký DN đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của DN.
Nghị định 78/2015/NĐ-CP cũng đồng thời quy định mã số DN đồng thời là mã số thuế của DN.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 30 Luật doanh nghiệp 2014 cũng quy định mã số DN được dùng để thực hiện các nghĩa vụ về thuế,...
Do đó, từ các căn cứ pháp luật được trích dẫn trên đây thì DN (thành lập theo quy định của Luật DN) không cần làm thủ tục đăng ký thuế với cơ quan thuế về đăng ký mã số thuế. Tuy nhiên, DN cũng sẽ phải liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để tiến hành làm các tờ khai thuế theo quy định của pháp luật.
Bạn vui lòng tham khảo chi tiết quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP,...
- Đối với DN không thành lập và hoạt động theo Luật DN:
Theo quy định hiện hành thì sau khi thành lập DN, DN có nghĩa vụ phải thực hiện đăng ký thuế trong thời hạn đăng ký thuế theo quy định của pháp luật.
Theo đó công ty liện hệ trực tiếp với Chi cục thuế nơi công ty đặt trụ sở chính để thực hiện đăng ký thuế.
Về hồ sơ, thủ tục đăng ký thuế cụ thể, bạn vui lòng tham khảo quy định tại Thông tư 95/2016/TT-BTC,...
b. Khai lệ phí môn bài
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 302/2016/TT-BTC và Khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì hoạt động khai lệ phí môn bài một lần khi tổ chức mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trường hợp DN mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.
Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Những năm về sau, thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
Theo đó, mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cụ thể như sau:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Xem chi tiết thông tin tại Thông tư 302/2016/TT-BTC và Nghị định 139/2016/NĐ-CP.
Hình minh hoạ
4. Mở tài khoản ngân hàng cho DN
Hiện hành thì có nhiều quy định bắt buộc DN trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình không được sử dụng tiền mặt trong rất nhiều giao dịch. Trong đó, có thể đơn cử như:
- Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP thì các DN không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào DN; các DN không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.
Quy định trên đây được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 09/2015/TT-BTC .
- Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, còn rất nhiều quy định khác về các giao dịch DN không được thực hiện thanh toán bằng tiền mặt.
Do đó, bạn phải thực hiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho DN của mình.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục mở tài khoản ngân hàng, bạn vui lòng tham khảo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN, Thông tư 02/2019/TT-NHNN,...
5. Khắc con dấu DN và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh
Trong quá trình hoạt động của DN thì trong các văn bản nội bộ, hợp đồng, thỏa thuận với đối tác đều phải sử dụng con dấu. Do đó, sau khi đăng ký DN công ty phải tiến hành khắc mẫu dấu và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 44 Luật DN 2014.
Theo đó, DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:
- Tên DN;
- Mã số DN.
Trước khi sử dụng, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Việc thông báo, sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu được hướng dẫn bởi Điều 34 Nghị định 78/2015/NĐ-CP .
Hình minh hoạ
6. Tiến hành góp vốn và thông báo tiến độ góp vốn theo quy định
Sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN theo quy định của pháp luật thì các thành viên trong công ty có nghĩa vụ góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập DN. Cụ thể:
- Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập DN trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp đã cam kết.
Xem chi tiết thông tin tại Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014.
- Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:
Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập DN trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn trên thì chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
...
Xem chi tiết thông tin tại Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Đối với Công ty cổ phần:
Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
...
Xem chi tiết thông tin tại Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Đối với công ty hợp danh:
Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
...
Xem chi tiết thông tin tại Điều 173 Luật Doanh nghiệp 2014.
>>>Xem thêm: Những việc cần làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp (Số 2)
Tác giả bài viết: Admin (Tổng hợp)
Nguồn tin: Thukyluat.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn