Văn phòng luật sư uy tín tại Tp HCM - Luật Tân Kim Hải | Văn Phòng Luật Tư Vấn Miễn Phí‎

https://luatkimhai.com


Lối thoát nào cho ASANZO?

một số tờ báo lớn đã đăng tải loạt thông tin điều tra về công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam, đồng thời lập nên các công ty "ma", không có thật, để lấy hàng Asanzo từ Trung Quốc sau đó bí mật đưa về các nhà máy của Asanzo tại Việt Nam lắp ráp. Điều này đã thực sự tạo nên một cuộc khủng hoảng to lớn cho doanh nghiệp của CEO Phạm Văn Tam. Người tiêu dùng quay lưng, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động, ngưng sản xuất lắp ráp, hơn 2000 công nhân mất việc… Doanh nghiệp ngay lập tức bị mất vị thế, địa vị trên thị trường, hàng loạt các nhà phân phối sản phẩm điện tử, điện máy lần lượt thu hồi sản phẩm của Asanzo bằng các hình thức tiến hành thu đổi ti vi của Asanzo. Vậy Doanh nghiệp này phải làm gì để giải thoát khủng hoảng nghiêm trọng này?
Hình minh hoạ

Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Asanzo - Asanzo Investment Joint Stock Company có địa chỉ trụ sở tại Lô A59/I Đường Số 7, KCN Vĩnh Lộc, Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Mã số thuế 0314208665, được đăng ký và quản lý bởi Chi cục thuế TP Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Đây là đơn vị kinh doanh chính của thương hiệu Asanzo. Hiện CEO của Tập đoàn Asanzo là ông Phạm Văn Tam.

Cuối năm 2013, nhận thấy những thương hiệu tivi nổi tiếng chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, ông quyết định thành lập Asanzo - thương hiệu Tivi dành riêng cho người Việt. Asanzo đã tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21,24-32 inch, tập trung vào phân khúc khách hàng ở nông thôn.

Hình ảnh minh họa.

Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần.

Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng.

Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.

Với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, được trao tặng danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và chiếm 18% thị phần tivi cả nước. Bằng giá cả hợp lý phù hợp túi tiền của đại bộ phận người dùng nông thôn, Asanzo thực sự đã có những bước đi đầy chắc chắn trong công cuộc khẳng định tên tuổi của một doanh nghiệp nội địa với các ông lớn về công nghệ ti vi trên thế giới đang có mặt tại Việt Nam như Sony, Panasonic, LG , Sam Sung...

Tuy nhiên, mới đây một số tờ báo lớn đã đăng tải loạt thông tin điều tra về công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam, đồng thời lập nên các công ty "ma", không có thật, để lấy hàng Asanzo từ Trung Quốc sau đó bí mật đưa về các nhà máy của Asanzo tại Việt Nam lắp ráp. Điều này đã thực sự tạo nên một cuộc khủng hoảng to lớn cho doanh nghiệp của CEO Phạm Văn Tam. Người tiêu dùng quay lưng, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động, ngưng sản xuất lắp ráp, hơn 2000 công nhân mất việc… Doanh nghiệp ngay lập tức bị mất vị thế, địa vị trên thị trường, hàng loạt các nhà phân phối sản phẩm điện tử, điện máy lần lượt thu hồi sản phẩm của Asanzo bằng các hình thức tiến hành thu đổi ti vi của Asanzo. Một số ý kiến của những nhà chuyên môn cho rằng, “việc cho tiến hành thu đổi tivi Asanzo là một động thái nhà sản xuất phải làm vì đã có dấu hiệu gian dối khách hàng liên quan đến xuất xứ sản phẩm. Động thái này của nhà sản xuất là nhằm khắc phục hậu quả và cũng nhằm xử lí khủng hoảng truyền thông hiện nay”.

Hình ảnh minh họa.

Có thật sự Asanzo lừa dối khách hàng về hành vi làm giả xuất xứ hàng hóa?

Về bản chất, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể thế nào là “Made in Vietnam”.

Nếu trước đây cách xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về xuất xứ hàng hóa có viện dẫn “Tỉ lệ phần trăm của giá trị hàng hóa là phần giá trị gia tăng có được sau khi một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ sản xuất, gia công, chế biến các nguyên liệu không có xuất xứ từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ này so với tổng trị giá của hàng hoá được sản xuất ra và tỉ lệ này ≥ 30%. Nếu hiểu theo cách sản phẩm ti vi của Asanzo nhập linh kiện của nước ngoài nhưng lắp ráp tại Việt Nam và chi phí khâu cuối để tạo ra thành phẩm như chi phí nhân công, vỏ máy, remote,… tổng hợp lại đạt 30% giá trị sản phẩm thì Asanzo không vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa, họ vẫn được quyền để mác Made in Vietnam.

Tuy nhiên, hiện nay Nghị định này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 31/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định này lại không quy định về mức tỷ lệ để xác định nguồn gốc xuất xứ mà chỉ quy định:

“ Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Bên cạnh đó căn cứ Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Xuất xứ hàng hóa có quy định:

“Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”.

Như vậy hiện nay Pháp luật Việt Nam vẫn đang “thả nổi” quy định như thế nào là Made in Viet Nam. Như vậy việc một số tờ báo lớn quy chụp Công ty Asanzo là lừa đảo khách hàng là chưa đủ cơ sở pháp lý. Một vụ việc chưa thật sự rõ ràng, chưa có kết luận từ cơ quan chức năng nhưng hậu quả của nó là không hề nhỏ : “ 2000 công nhân đứng trước nguy cơ mất việc, nhà xưởng đóng cửa.....Hàng triệu người dùng đang lo lắng về sản phẩm tivi đang dùng”.

Hiện Asanzo phải dừng hết mọi công việc, bởi các nhà phân phối không trưng bày thì đồng nghĩa doanh nghiệp không có cơ hội bán hàng, sản xuất cũng bằng không. Thị trường xuất hiện làn sóng tẩy chay Asanzo từ phía người tiêu dùng, các đơn vị bán hàng cũng lần lượt tháo bỏ sản phẩm khỏi kệ… CEO Phạm Văn Tam cho biết, Asanzo đã mất khoảng 95% doanh thu sau sự cố trên. Tổng kết nửa năm, lợi nhuận đã về 0 thậm chí thua lỗ, sau 1 tháng trời ròng rã ngưng sản xuất, ngưng bán hàng trong khi vẫn phải chi ra hàng chục tỷ chi phí duy trì bộ máy hoạt động. Mặt khác, nhà đầu tư đồng loạt rút vốn, và dĩ nhiên Asanzo phải chi trả cổ tức, chia lãi… ngân hàng cũng đóng băng các khoản vay, nhà phân phối trả lại hàng; ước tính thiệt hại đến nay đã lên đến 1.000 tỷ đồng.

Đã có những giải pháp từ các nhà chức trách theo đó Thủ tướng đã yêu cầu các bộ liên quan sẽ phải nộp báo cáo kết luận vào ngày 30/8 tới đây. Định hướng thời gian tới, người đứng đầu Asanzo cho biết công ty đang "ráng" chờ đến hạn chót công bố kết luận vào ngày 30/8, sau đó có thể sẽ giải thể và tiến hành thông báo công nhân nghỉ.

Hình ảnh minh họa.

Vừa qua ngày 26/07/2019, TAND quận 11, TP.HCM cho biết, vừa nhận được đơn khởi kiện của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo (Asanzo) khởi kiện báo Tuổi Trẻ, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại. Theo thủ tục tố tụng dân sự hiện TAND quận 11 đang xem xét đơn khởi kiện và đã ra thông báo xác nhận đơn kiện của công ty Asanzo.

Trong đơn khởi kiện Asanzo yêu cầu báo Tuổi Trẻ cải chính thông tin, công khai xin lỗi, đồng thời giải quyết bồi thường thiệt hại (bao gồm không chỉ giới hạn ở tổn thất doanh thu, tổn thất về hình ảnh, chi phí luật sư suốt quá trình tố tụng. Đây có thể chính là chiếc phao cứu sinh cuối cùng có thể giúp Asanzo lật ngược thế cờ trong hoàn cảnh bi đát hiện nay.

Mặc dù sự cố Asanzo đến nay đã xảy ra đã hơn 01 tháng, dư luận nước nhà vẫn đang dậy sóng với nhiều quan điểm trái chiều, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra giải quyết… và sau đó là thời gian để chúng ta nghĩ về cụm từ "Made in Vietnam”. Chưa bàn đến chuyện ai đúng ai sai tuy nhiên có điều chắc chắn đó là việc giết chết một doanh nghiệp là dễ hơn rất nhiều so với việc gây dựng nó.

Trường hợp Asanzo sẽ là một bài học cho các nhà làm luật Việt Nam, đó là cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề xuất xứ hàng hóa nêu trên nếu không sẽ còn rất rất nhiều những “Asanzo” khác sẽ tiếp tục rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như doanh nghiệp của CEO Phạm Văn Tam, điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sự vận hành và phát triển của một nền kinh tế còn non trẻ như Việt Nam. 

-Bài viết có tham khảo thông tin tổng hợp từ một số nguồn khác nhau-

 

Tác giả bài viết: Admin (ST)

Nguồn tin: Thukyluat.vn:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây