Văn phòng luật sư uy tín tại Tp HCM - Luật Tân Kim Hải | Văn Phòng Luật Tư Vấn Miễn Phí‎

https://luatkimhai.com


4 trường hợp người lao động không được rút BHXH 1 lần

Thay vì đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dài hạn để hưởng lương lưu, nhiều người sau khi nghỉ việc đã sớm chọn phương án rút 1 cục. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể rút BHXH 1 lần sau khi nghỉ việc.
Ảnh minh hoạ (Internet)

Căn cứ Luật BHXH năm 2014Nghị quyết 93/2015/QH13, những người lao động sau đây sẽ không được giải quyết hưởng BHXH 1 lần:

1. Người đóng BHXH dưới 20 năm, nghỉ việc chưa đủ 1 năm

Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì có thể yêu cầu nhận BHXH 1 lần.

Ngược lại, nếu đóng chưa đủ 20 năm nhưng chưa nghỉ việc đủ 01 năm thì người lao động sẽ không đủ điều kiện để lãnh tiền BHXH 1 lần.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 có một số trường hợp ngoại lệ, dù nghỉ việc chưa đủ 01 năm vẫn được rút BHXH 1 lần bao gồm:

- Đã đủ tuổi nghỉ hưu;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế trong tình trạng không thể tự phục vụ;
- Bộ đội, công an khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

2. Người lao động đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 và điểm a khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, dù đủ tuổi hay chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì người lao động cũng chỉ có thể rút BHXH 1 lần khi thời gian đóng BHXH của người đó dưới 20 năm.

Do đó, nếu đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, người lao động buộc phải chờ đợi để làm thủ tục hưởng lương hưu hằng tháng chứ không thể rút BHXH 1 lần.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 vẫn quy định một số trường hợp ngoại lệ đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên vẫn được rút BHXH 1 lần, bao gồm:

- Ra nước ngoài để định cư;

- Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế trong tình trạng không thể tự phục vụ.

3. Lao động nữ hoạt động ở cấp xã đóng BHXH từ đủ 15 năm

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách cấp xã mà chưa đóng đủ 15 năm BHXH, đồng thời không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì có quyền yêu cầu rút BHXH 1 lần.
 

Ngược lại, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên, những lao động nữ này sẽ không được giải quyết hưởng BHXH 1 lần mà phải chờ đủ tuổi để nhận lương hưu hằng tháng.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 vẫn có một số trường hợp ngoại lệ được rút BHXH 1 lần mà không xét đến người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hay chưa. Đó là 02 trường hợp sau:

- Ra nước ngoài để định cư.

- Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế trong tình trạng không thể tự phục vụ.

4. Công an, bộ đội phục viên, xuất ngũ, thôi việc đủ điều kiện lãnh lương hưu

Theo điểm d khoản 1 Điều 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, trường hợp công an, quân đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì được quyền nhận BHXH 1 lần khi có nhu cầu.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng, nếu thời điểm phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà đối tượng công an, bộ đội đã đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì phải làm thủ tục nhận lương hưu theo quy định chứ không được rút 1 lần.

Tuy nhiên, cũng như trường hợp (2) và (3), đối tượng công an, bộ đội phục viên, xuất ngũ, thôi việc đủ điều kiện lãnh lương hưu mà rơi vào trường hợp đặc biệt cũng có thể lựa chọn rút BHXH 1 lần bao gồm:

- Ra nước ngoài để định cư.

- Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế trong tình trạng không thể tự phục vụ.

Tác giả bài viết: Binh Thảo (Luatvietnam)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây